...

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC) gặp mặt và làm việc với đoàn công tác Law Society of Singapore

18 Tháng 8, 2023

Chiều ngày 16/08/2023, tại trụ sở Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC) đã có buổi tiếp đón và làm việc với đại diện Law Society of Singapore – LSS cùng hơn 40 luật sư đến từ Singapore. 

VIAC/VMC tiếp đón và làm việc với Law Society of Singapore và hơn 40 luật sư đến từ Singapore

Tham dự buổi gặp mặt và trao đổi, về phía VIAC và VMC có LS. Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC; ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC và bà Vũ Thị Hằng – Phó Trưởng Ban Thư ký kiêm Trưởng phòng Phòng Hợp tác quốc tế VIAC. Về phía Law Society of Singapore có bà Lisa Sam Hui Min – Phó Chủ tịch LSS, ông Gregory Vijayendran – Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác quốc tế, và các thành viên Hội đồng LSS cùng các luật sư thành viên có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Buổi làm việc thể hiện mong muốn hợp tác giữa LSS với VIAC nói riêng, cũng như củng cố, mở rộng quan hệ giữa Việt Nam và Singapore nói chung, đặc biệt trong bối cảnh năm 2023 đặt dấu mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia. Singapore đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, điều này cũng thể hiện tầm quan trọng và hiệu quả của mối quan hệ hợp tác. Chính vì vậy, buổi gặp mặt và làm việc với LSS là cơ hội để hai bên có thể cùng nhau chia sẻ và thảo luận về những bài học kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, cũng như giúp hai bên hiểu rõ hơn về thực tiễn trọng tài và hòa giải tại Việt Nam và Singapore.

LS. Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIAC và Ông Gregory Vijayendran – Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác quốc tế LSS

Mở đầu chương trình, LS. Vũ Ánh Dương, đại diện VIAC và VMC, đã gửi lời chào và bày tỏ sự vui mừng khi đón tiếp đoàn công tác. Cùng đó, LS. Vũ Ánh Dương cũng đã có những chia sẻ về tầm nhìn và sứ mệnh của VIAC với tư cách là tổ chức trọng tài và hòa giải thương mại hàng đầu, với vị thế là tổ chức đầu tiên và tiên phong trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thay thế tại Việt Nam.

Về phía Law Society of Singapore, ông Gregory Vijayendran cũng đã có phần chia sẻ của mình về hoạt động của Hiệp hội, đồng thời cũng dành lời chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu của VIAC và VMC đã đạt được trong hoạt động trọng tài thương mại và hòa giải thương mại tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ông cũng hy vọng buổi làm việc giữa hai bên sẽ tập trung chia sẻ những góc nhìn, trao đổi mới về các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs) tại hai nước.

Ông Phan Trọng Đạt, Quyền Giám đốc VMC thuộc VIAC và bà Vũ Thị Hằng, Phó trưởng Ban thư ký VIAC chia sẻ về trọng tài và hoà giải tại Việt Nam

Tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Hằng đã có phần giới thiệu về VIAC cũng như thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại VIAC. Là trung tâm trọng tài có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời tại Việt Nam, VIAC đã thụ lý và giải quyết hơn 2.500 vụ tranh chấp trong nước và quốc tế, đa dạng về quốc tịch các bên tham gia, tính chất, trị giá và lĩnh vực tranh chấp, v.v. Trong suốt 30 năm qua, VIAC luôn nỗ lực để không ngừng hoàn thiện hơn, tiến tới tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế về trọng tài thương mại thông qua việc thường xuyên cập nhật quy trình tố tụng, cập nhật các xu hướng giải quyết tranh chấp trên thế giới như dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR).

Cũng tại buổi làm việc, ông Phan Trọng Đạt, Quyền Giám đốc VMC thuộc VIAC đã chia sẻ về phương thức hòa giải thương mại tại Việt Nam và hoạt động của VMC. Theo đó, ông Đạt nhấn mạnh những tiềm năng của hòa giải thương mại tại Việt Nam và khả năng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại tại VMC thông qua một số mô hình như hòa giải kết hợp với trọng tài, nền tảng hòa giải trực tuyến, v.v.

Hai bên trao đổi về về các vấn đề thực tiễn liên quan tới giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, hòa giải tại Việt Nam

Hai bên đã có thêm những trao đổi về các vấn đề thực tiễn liên quan tới giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, hòa giải tại Việt Nam nói chung và tại VIAC nói riêng. Liên quan đến trọng tài thương mại, ông Nicholas Narayanan, đại diện đến từ LSS, đặt câu hỏi về cơ chế trọng tài khẩn cấp (emergency arbitration) tại Việt Nam. Trả lời câu hỏi này, đại diện VIAC cho biết theo quy định pháp luật hiện hành tại Việt Nam và theo Quy tắc tố tụng VIAC chưa có cơ chế về trọng tài khẩn cấp. Tuy nhiên, trong thời gian hội đồng trọng tài chưa được thành lập, các bên trong tranh chấp có thể yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo số liệu từ năm 2015 – 2017, các bên trong tranh chấp tại VIAC đã có khoảng 30 yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được Tòa án chấp nhận, đây cũng là một trong những hoạt động hỗ trợ của Tòa án đối với thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. VIAC hiện chưa có thông tin về thực tiễn Toà án Việt Nam đồng ý áp dụng BPKCTT hỗ trợ cho một vụ việc giải quyết bởi một tổ chức trọng tài nước ngoài.

Liên quan đến hòa giải thương mại, hai bên đã có những trao đổi liên quan đến việc công nhận thỏa thuận hòa giải thành giữa các bên. Hiện tại, Việt Nam chưa phải là một bên ký kết Công ước Singapore về Hòa giải thương mại, do đó, vấn đề về công nhận thỏa thuận hòa giải thành được đại diện đến từ LSS quan tâm. Trả lời vấn đề này, ông Phan Trọng Đạt, Quyền Giám đốc VMC cho biết VMC, với tư cách là một trung tâm hòa giải thương mại, rất mong chờ Việt Nam gia nhập Công ước Singapore về thoả thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải, qua đó việc kết quả hoà giải thành ở một quốc gia được công nhận và thi hành ở một quốc gia thành viên khác sẽ có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của phương thức hoà giải thương mại. Tại Việt Nam, các bên có thể yêu cầu Toà án công nhận kết quả hoà giải thành hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài công nhận kết quả hoà giải thành nếu tham gia vào cơ thế liên thông Trọng tài – Hoà giải - Trọng tài tại VIAC.

Bên cạnh đó, các bên cũng có thêm nhiều trao đổi liên quan đến vấn đề khác như thủ tục trọng tài rút gọn, thẩm quyền của hội đồng trọng tài thương mại liên quan đến các tranh chấp về đất đai,… Buổi trao đổi diễn ra sôi nổi giữa đại diện các bên, với nhiều thông tin hữu ích về thực tiễn hoạt động trọng tài và hòa giải thương mại tại Việt Nam.

Kết thúc buổi gặp mặt, ông Gregory Vijayendran bày tỏ sự vui mừng và cảm ơn VIAC đã dành thời gian gặp gỡ và làm việc cùng đoàn công tác. Ông Gregory cũng chia sẻ buổi làm việc đã diễn ra thành công với nhiều thông tin được trao đổi giữa hai bên, giúp các luật sư, người hành nghề luật trong đội ngũ LSS có thêm thông tin về trọng tài và hòa giải tại Việt Nam nói chung và tại VIAC nói riêng. Đại diện VIAC, ông Vũ Ánh Dương thể hiện niềm vui và trân trọng đối với sự hợp tác giữa LSS và VIAC. Hai bên cũng mong muốn sẽ có thêm những buổi làm việc, hợp tác nhằm củng cố quan hệ hợp tác, có thêm những trao đổi thiết thực để thúc đẩy sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tại Việt Nam và Singapore.

 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI