...

CISG: Công cụ tránh rủi ro trong xuất nhập khẩu

29 Tháng 10, 2019

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp (DN) gặp rủi ro khi giao thương với DN nước ngoài. Nhưng bắt đầu từ ngày 1/1/2017, khi Công ước Liên Hiệp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa (Công ước Viên - CISG) có hiệu lực tại Việt Nam thì vấn đề trên sẽ phần nào được giải quyết.

Tại Hội thảo Phòng tránh rủi ro và giải quyết tranh chấp trong mua bán quốc tế do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức mới đây, đại diện VIAC cho biết, nhiều DN không có khả năng, kinh nghiệm xem xét các điều khoản trong hợp đồng xuất nhập khẩu. Không những vậy, DN còn lúng túng trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại với đối tác nước ngoài.

Thực tế này đã và đang diễn ra đối với các DN thuộc Hiệp hội Điều Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, một số nhà cung cấp điều ở châu Phi sau khi ký hợp đồng với DN Việt Nam đã không thực hiện theo thỏa thuận. Chẳng hạn như giao hàng kém chất lượng, chậm giao hàng, thậm chí là hủy ngang mà không trả tiền cọc cho người mua hàng.

Các DN thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM... cũng gặp trường hợp tương tự. Nhưng các DN này cũng chỉ biết phản ảnh đến các tham tán thương mại nhờ hỗ trợ.

Theo thống kê từ VIAC, thời gian qua đơn vị đã tiếp nhận và xử lý 1.052 vụ kiện, trong đó 60% các vụ việc liên quan đến hợp đồng mua bán mà chủ yếu là mua bán ngoại thương.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Hằng - Trọng tài viên VIAC, Trưởng Khoa Luật - Đại học Ngoại Thương cho rằng, khi làm ăn với các DN nước ngoài, DN Việt Nam nên tường tận về các điều khoản giao hàng, tìm hiểu và thỏa thuận về giá, chất lượng hàng hóa. Quan trọng hơn là hai bên phải có những ràng buộc cụ thể, như DN sẽ làm gì khi nhận hàng không đúng số lượng, chất lượng và yêu cầu bồi thường thiệt hại như thế nào.

Tại hội thảo, LS. Châu Việt Bắc - Phó tổng thư ký VIAC trao đổi với DN các phương pháp kiểm tra thông tin, đánh giá năng lực đối tác trong mua bán để phòng tránh rủi ro cũng như phương thức xác định hợp đồng có đủ giá trị pháp lý để có thể giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Theo ông Bắc, có sự khác nhau trong chọn trọng tài và chọn tòa án giải quyết tranh chấp. Nắm rõ được điều này sẽ giúp DN Việt Nam có được lợi thế khi chọn trung tâm trọng tài để xét xử.

Từ ngày 1/1/2017, Công ước Liên Hiệp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa (Công ước Viên - CISG) sẽ có hiệu lực tại Việt Nam. Đây được xem là bộ luật thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế, với 101 điều khoản liên quan đến các vấn đề pháp lý kể từ khi hình thành hợp đồng. Công ước Viên còn quy định quyền và nghĩa vụ của người bán, người mua, đồng thời chỉ rõ những chế tài khi một trong hai bên vi phạm hợp đồng cũng như các vấn đề về bồi thường thiệt hại, hủy hợp đồng, bất khả kháng, bảo quản hàng hóa...

Hiện đã có 85 quốc gia là thành viên của CISG, và hầu hết các quốc gia này là đối tác kinh doanh của Việt Nam. Do đó, trước thực trạng đã và đang diễn ra đối với các DN Việt Nam khi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đại diện VIAC cho rằng, các DN trước khi tham gia ký kết hợp đồng nên rà soát kỹ các điều khoản để đảm bảo phù hợp và tận dụng tốt nhất các lợi ích từ Công ước Viên.

Theo Trang điện tử Sao Doanh nhân

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI