Tổng quan về thỏa thuận trọng tài

10/30/2019

Thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là nền tảng cho trọng tài quốc tế. Nó ghi nhận sự đồng thuận của các bên trong việc đưa vụ tranh chấp ra trọng tài và sự đồng thuận là yếu tố không thể thiếu trong bất cứ quá trình giải quyết tranh chấp ngoài tòa án nào.

Có hai loại thỏa thuận trọng tài cơ bản: điều khoản trọng tài và thỏa thuận giải quyết tranh chấp đã phát sinh bằng trọng tài. Điều khoản trọng tài là loại thỏa thuận thông dụng nhất, thường được bao gồm trong thỏa thuận chính giữa các bên và là thỏa thuận sẽ đưa một tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai ra trọng tài. Còn thỏa thuận giải quyết tranh chấp đã phát sinh là thỏa thuận đưa một tranh chấp đang tồn tại ra trọng tài.

Điều khoản trọng tài thường ngắn gọn, xuất phát từ việc các bên chưa rõ những dạng tranh chấp nào có thể phát sinh trong tương lai và cách thức tốt nhất để xử lý những tranh chấp đó. Trong khi đó, thỏa thuận giải quyết tranh chấp đã phát sinh thường dài hơn bởi lúc này tranh chấp đã xảy ra trên thực tế, và do đó thỏa thuận này có thể được điều chỉnh để tương thích với hoàn cảnh của vụ việc - có thể bao gồm tên các trọng tài viên, nêu ra các vấn đề trong tranh chấp, quy định về việc trao đổi các bản đệ trình và các vấn đề về thủ tục khác.

Hầu hết các vụ kiện trọng tài thương mại quốc tế được tiến hành dựa trên một điều khoản trọng tài trong một hợp đồng thương mại. Những điều khoản này thường là “điều khoản lúc nửa đêm”, do thường là điều khoản cuối cùng được cân nhắc đến trong quá trình thương thảo hợp đồng, nên thường không được các bên suy nghĩ đầy đủ, dẫn đến những thỏa thuận không thỏa đáng và khó thực hiện (lựa chọn sai luật nội dung hoặc về địa điểm trọng tài). Nếu một vụ tranh chấp phát sinh và quá trình tố tụng trọng tài được tiến hành, những vấn đề này sẽ phải được giải quyết trước khi có thể tiếp tục giải quyết những vấn đề tranh chấp thực sự.

Nghị định thư Geneva 1923 và Công ước Geneva 1927 về công nhận và cho thi hành thỏa thuận trọng tài quốc tế và việc thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài được tiếp nối bởi hàng loạt các công ước khu vực khác, đặc biệt là Công ước New York 1958. Sau khi điều chỉnh về việc công nhận giá trị pháp lý và khả năng thi hành của các thỏa thuận trọng tài, Công ước cũng quy định về việc thi hành trên quy mô quốc tế của những phán quyết đáp ứng được những tiêu chuẩn đề ra. Bên cạnh đó, Công ước Panama, được xây dựng gần giống với Công ước New York, đã đánh dấu một bước tiến trong quá trình ghi nhận trọng tài như một phương thức giải quyết tranh chấp được công nhận trên bình diện khu vực.

Các công ước này đã tạo ra những tiêu chuẩn có tính quốc tế của một thỏa thuận trọng tài; trong đó, các quy định tại Công ước New York 1958 – Công ước được coi là “cột đỡ quan trọng nhất cho sự hiệu quả của trọng tài quốc tế” yêu cầu mỗi quốc gia thành viên có nhiệm vụ phải công nhận và đảm bảo hiệu lực cho một thỏa thuận trọng tài khi những điều kiện sau được đáp ứng:

  • Thỏa thuận đó được lập bằng văn bản;
  • Thỏa thuận về những tranh chấp đang tồn tại hoặc có thể phát sinh trong tương lai;
  • Những tranh chấp này phát sinh từ một quan hệ pháp luật xác định, dù có phải quan hệ hợp đồng hay không; và
  • Chúng liên quan đến một vấn đề có thể được giải quyết bằng trọng tài (arbitrability)

Nội dung trên được tổng hợp từ Trọng tài Quốc tế (ấn bản lần thứ 6), Nigel Blackaby, Constantine Partasides; Alan Redfern, Martin Hunter, đoạn 2.01 - 2.08.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI